Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh thường làm xuất hiện những tổn thương sâu và rộng trên biểu mô niêm mạc đại tràng với các biểu hiện rối loại tiêu hóa kéo dài, đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng, đau âm ỉ vùng bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng, đau tăng sau khi ăn hoặc trước khi đi đại tiện.
Tính đến thời điểm này, viêm đại tràng mới chỉ được điều trị ổn định chứ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thường để lại những biến chứng nguy hiểm như giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, chảy máu nặng và ung thư trực tràng.
Để hạn chế thực trạng này, từ xa xưa, y dược học cổ truyền đã biết sử dụng lá mơ lông có vị hơi đắng, hơi mặn, mùi hôi, tính mát nhằm đặc trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, đặc biệt là tiêu chảy, kiết lỵ, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu) và thoát giang (sa trực tràng)…
Y học hiện đại cũng chứng minh lá mơ lông với thành phần hóa học gồm protein, caroten, vitamin C và tinh dầu... nên nó có tác dụng rất lớn trong việc ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn, chống co thắt hồi tràng.
Lá mơ lông còn có tên khác như mơ tam thể, ngưu bì đống, mẫu cẩu đằng… Đây là một loại cây leo mọc hoang hoặc được trồng nhiều nơi ở Việt Nam làm rau gia vị.
Ngoài ra, các sách thuốc cổ như Cương mục thập di, Lý thị thảo bí, Bản thảo cầu nguyên…còn đề cập đến những phương thuốc hay và hiệu quả, trong đó lá mơ lông được dùng làm thành phần chính để điều trị các bệnh liên quan tới tiêu hóa.
Ví dụ, bài thuốc dùng lá mơ lông thái nhỏ, trộn với trứng gà rồi bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt vào chảo rán (không cho dầu mỡ), ăn 1 ngày 2 lần trong vòng 7 ngày sẽ giúp chữa được bệnh kiết lỵ.
Hoặc dùng lá mơ lông vắt lấy nước cốt uống hàng ngày để trị chứng đau dạ dày.
Còn với chứng tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện bụng đau quặn, đầy hơi, đại tiện mùi khẳm, nước tiểu vàng sẽ có bài thuốc dùng lá mơ lông kết hợp với nụ sim rồi sắc lấy nước uống hàng ngày…
Hoặc có thể từ kinh nghiệm dân gian kết hợp Lá Mơ lông, Mộc hoa trắng, Lá khôi tía, Sa nhân...Trong đó, các vị thuốc có tác dụng như một kháng sinh thực vật, kích thích tiêu hóa và tác dụng giảm tiêu chảy, nhuận tràng.
Tuy nhiên, để các thành phần này hiệu quả với bệnh viêm đại tràng cấp và mạn tính, viêm đại tràng co thắt và hội chứng lỵ, liều lượng giữa các thành phần phải chuẩn do đó cần được kê bởi các bác sĩ đông y và phải sử dụng kiên trì hàng ngày theo liệu trình.
Bên cạnh đó, người bị bệnh đại tràng mạn tính cần tránh những đồ ăn dễ gây kích ứng như đồ sống, thực phẩm chua, cay, bia rượu, cà phê để bệnh nhanh ổn định và hạn chế tái phát.
Dantri.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét