Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đúng cách !

Việc chăm sóc trẻ nhỏ khi bị sốt xuât huyết không phải bố mẹ nào cũng biết. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc trẻ sốt xuất huyết đúng cách.

Theo Cục Y tế Dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cả nước đã tăng thêm 25%, số tử vong tăng 24%. Các tỉnh phía Nam vẫn là nơi có nhiều bệnh nhân SXH nhất. Đây là tình hình rất đáng lo ngại, nhất là thời điểm hiện nay đang ở vào đỉnh dịch.




Triệu chứng bệnh
Sốt: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt liên tục, kéo dài. Cách tính ngày bệnh trong SXH: ngày đầu tiên của sốt được tính là ngày thứ 1 của bệnh.
Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
Xuất huyết: thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.
Xuất huyết ngoài da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu nướu, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.
Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, tiêu ra máu.
Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao, hốt hoảng.
 
Các triệu chứng nặng: sốc là một diễn tiến nặng của bệnh SXH. Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 - 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những triệu chứng sau:
- Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm.
- Chảy máu mũi.
- Chảy máu nướu răng.
- Ói ra máu hoặc ra dịch màu nâu.
- Tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen.
- Tiểu ra máu.
- Hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.
- Than đau bụng ngày càng tăng.
Khi thấy một trong những triệu chứng trên xảy ra trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, cần cho trẻ đến khám ngay tại bệnh viện (không đi BS tư, vì có thể trẻ phải nhập viện để điều trị).
Các xét nghiệm cần làm
Hai xét nghiệm cần phải làm để chẩn đoán ban đầu và cũng để theo dõi diễn tiến của bệnh là Hct (dung tích hồng cầu) và đếm số lượng tiểu cầu trong máu. Hct và đếm số lượng tiểu cầu sẽ được thực hiện mỗi ngày trên bệnh nhân từ ngày thứ 3 của bệnh: sự tăng dần của Hct, giảm dần của số lượng tiểu cầu gợi ý bệnh đang diễn tiến nặng, bệnh cần theo dõi sát để có những can thiệp thích hợp. Các xét nghiệm khác sẽ được bác sĩ chỉ định khi cần.
Chăm sóc tại nhà
Khi trẻ không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, chăm sóc bé tại nhà. Vì vậy, lúc nào cũng phải có người thường trực để theo dõi và chăm sóc bé cả ngày lẫn đêm. Hạ sốt khi trẻ sốt > 38oC, sử dụng paracetamol với liều: 10-15mg/kg cân nặng/ mỗi 6 giờ. Nếu sốt < 38oC thì chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước. Trường hợp trẻ sốt quá cao > 39oC thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần cho trẻ lau mát bằng nước ấm để nhiệt độ thoát nhanh, tránh tình trạng sốt cao co giật.
Tránh cạo gió, cắt lể, vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết của trẻ.
Dinh dưỡng khi trẻ bị SXH
Thức ăn: trẻ bị SXH bị sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường, nhưng do tình trạng bệnh trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn, vì vậy nên chọn những thức ăn trẻ thích, nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem.
Nước uống: lượng nước cần cung cấp cho trẻ bị SXH cũng nhiều hơn lúc không bệnh (do sốt cao dẫn đến mất nước qua da, niêm mạc nhiều). Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước cam, nước chanh tươi nước chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài việc bù nước cho trẻ, còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể. Cần chú ý khi làm nước trái cây cho trẻ phải bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là nước dừa: dừa phải được rửa sạch lớp vỏ bên ngoài (vì người bán thường để các trái dừa dưới đất), khi chặt dừa lấy nước cần dùng dao sạch, chọn nơi sạch, không chặt dừa dưới nền đất, hoặc nền sát đất dễ nhiễm bẩn.
Chủ động phòng bệnh SXH
Thu gọn, sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi, đặc biệt là những quần áo đang mặc dở dang.
Tổng vệ sinh thường xuyên để dọn bỏ rác phế thải, chú ý những loại rác có khả năng chứa nước mưa như: lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể, chum vại…
Đổ nước dầu hoặc muối vào bát kê chân tủ.
Thay nước thường xuyên các lọ hoa.
Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/lần.
Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước, các bể nước cần có nắp đậy.
Khi ngủ phải mắc mùng, kể cả ban ngày (đặc biệt là các trẻ nhỏ), cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay.
Phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn khi có xảy ra dịch tại địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét